Nguyên lý cơ bản của xã hội học Spencer Herbert Spencer

Xã hội như là cơ thể sống

Herbert Spencer sử dụng thuật ngữ "xã hội học" của Comte. Spencer định nghĩa xã hội học là khoa học về các quy luật và các nguyên lý tổ chức của xã hội. Xã hội được hiểu như là các "cơ thể siêu hình hữu cơ" / "superorganic bodies".

Tương tự như mọi hiện tượng tự nhiên, hữu cơ và vô cơ, xã hội vận động và phát triển theo quy luật. Xã hội học có nhiệm vụ phát hiện ra quy luật, nguyên lý của cấu trúc và của quá trình của xã hội. Xã hội học không sa vào phân tích những đặc thù lịch sử của xã hội mà tập trung vào việc tìm kiếm những thuộc tính, đặc điểm chung, phổ biến, phổ quát và những mối liên hệ nhân quả giữa các sự vật, hiện tượng xã hội. Spencer cho rằng có thể vận dụng các nguyên lý và khái niệm của sinh vật học về cơ cấu và chức năng để nghiên cứu "cơ thể xã hội" - Đây cũng là quan điểm của Comte. Bản thân thuật ngữ "cơ cấu" và "chức năng" mà lúc đầu Comte, sau là Spencer và các nhà xã hội học hiện đại sử dụng chủ yếu là bắt nguồn từ sinh vật học.

Một nguyên lý cơ bản nhất của xã hội học là nguyên lý tiến hóa. Theo Spencer, xã hội loài người phát triển tuân theo quy luật tiến hóa từ xã hội có cơ cấu nhỏ, đơn giản, chuyên môn hóa thấp, không ổn định, dễ phân rã đến xã hội có cơ cấu lớn, phức tạp, chuyên môn hóa cao, liên kết bền vững và ổn định.

Ngoài nguyên lý tiến hóa xã hội, Spencer đưa ra những nguyên lý khác. Spencer cho rằng quy mô của cơ thể (xã hội) ảnh hưởng tỷ lệ thuận đối với nhu cầu về sự phân hóa dẫn đến hình thành và phát triển các quá trình xã hội. Trong số đó có quá trình điều tiết và kiểm soát, vận hành và duy trì hoạt động, và quá trình phân chia các nguồn lực giữa các bộ phận cấu thành nên xã hội. Do đó, xã hội học có nhiệm vụ chỉ ra các loại yếu tố hay các biến số tác động tới xu hướng, nhịp độ và bản chất của các quá trình đó. Spencer chia các "tác nhân của hiện tượng xã hội" thành một số loại:

  1. Thứ nhất, là loại biến (tác nhân) chủ quan bên trong của hệ thống xã hội gồm các đặc điểm về trí tuệ, thể lực và các trạng thái xúc cảm;
  2. Thứ hai, là các loại biến (tác nhân) bên ngoài thuộc môi trường khách quan như các đặc điểm khí hậu, đất đai, sông ngòi;
  3. Thứ ba, là loại biến (tác nhân) "tự sinh", bắt nguồn từ các điều kiện bên trong và bên ngoài như quy mô dân số, mật độ dân số của xã hội và các mối liên hệ giữa các xã hội với nhau.
Ba loại biến này rất quan trọng đối với quá trình tiến hóa của xã hội.

Tương tự như cơ thể sống, xã hội có hàng loạt các nhu cầu tồn tại đòi hỏi phải xuất hiện các cơ quan hoạt động theo nguyên tắc chuyên môn hóa để đáp ứng các nhu cầu cơ thể xã hội. Spencer cho rằng, xã hội chỉ có thể phát triển lành mạnh khi các cơ quan chức năng của xã hội đó đảm bảo thỏa mãn các nhu cầu của xã hội. Thực chất đây là những tư tưởng chức năng luận đầu tiên trong xã hội học.

So sánh cơ thể sống với xã hội (cơ thể siêu - hữu cơ), Spencer chỉ ra những điểm giống và khác nhau rất quan trọng giữa chúng; đó là:

  • Đặc điểm khác nhau: là xã hội gồm các bộ phận có khả năng ý thức và tích cực tác động lẫn nhau một cách gián tiếp, thông qua ngôn ngữ, ký hiệu.
  • Đặc điểm giống nhau: là cả cơ thể sinh học và cơ thể xã hội đều có khả năng sinh tồn và phát triển. Cả hai loại cơ thể này đều tuân theo những quy luật như tăng kích cỡ của cơ thể làm tăng tính chất và trình độ chuyên môn hóa chức năng. Các bộ phận của cơ thể tác động lẫn nhau chặt chẽ đến mức thay đổi ở một bộ phận kéo theo thay đổi ở các bộ phận khác. Mỗi bộ phận là một cơ thể vi mô, một cơ quan, một tế bào. Xã hội là một hệ thống gồm các tiểu xã hội. Giống như các cơ thể sống, với tư cách là cơ thể siêu - hữu cơ, xã hội liên tục trải qua các giai đoạn tiến hóa, suy thoái kế tiếp nhau, tức là tăng trưởng, phân hóa, liên kết, phân rã v.v... nhằm thích nghi với môi trường xung quanh.

Phương pháp nghiên cứu của xã hội học

Spencer chỉ ra rằng, khác với khoa học tự nhiên, xã hội học có hàng loạt những vấn đề khó khăn về mặt phương pháp luận. Các khó khăn của xã hội học bắt nguồn từ đặc thù của đối tượng nghiên cứu. Các hiện tượng, quá trình xã hội luôn gắn liền với các cá nhân với tất cả những đặc điểm về động cơ, nhu cầu, tình cảm, trí tuệ, và hành động phức tạp, đa dạng. Điều đó làm cho xã hội học không phải là khoa học chính xác mặc dù đối tượng nghiên cứu của xã hội học là lịch sử tự nhiên và sự tiến hóa của các xã hội. Spencer phân biệt hai loại vấn đề khó khăn khách quan và chủ quan.

  1. Khó khăn khách quan: liên quan tới vấn đề số liệu; rất khó đo lường các trạng thái chủ quan của đối tượng nghiên cứu, tức là các đặc điểm cá nhân, các nhóm xã hội, trong khi các hiện tượng xã hội không ngừng vận động, biến đổi. Bản thân quá trình nghiên cứu cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi trạng thái tình cảm và tâm trạng xã hội; một số vấn đề nghiên cứu này gây chú ý nhiều hơn một số vấn đề kia. Nhà xã hội học lựa chọn một số vấn đề này mà bỏ qua, không nghiên cứu một số vấn đề quan trọng khác.
  2. Khó khăn chủ quan: loại khó khăn này thường liên quan đến người nghiên cứu; Chẳng hạn, tình cảm cá nhân như "thiên vị chính trị", "thiên vị giai cấp", "thiên vị tôn giáo" đều có thể gây ra những khó khăn chủ quan trong nghiên cứu xã hội học. Khó khăn về mặt trí tuệ chủ yếu là vấn đề trình độ tri thức, kỹ năng và tay nghề nghiên cứu của nhà xã hội học; Làm thế nào để xác định trúng vấn đề mà mình nghiên cứu?, Làm thế nào kiểm tra được mức độ khách quan, chính xác và chân thực của phân tích xã hội học? - Những vấn đề như vậy chủ yếu thuộc về năng lực của người nghiên cứu.

Việc phân biệt vấn đề khách quan và chủ quan của phương pháp luận nghiên cứu chỉ mang tính ước lệ và tương đối. Điều quan trọng là, Spencer đã nhấn mạnh tính cấp bách và cần thiết của việc nghiên cứu các phương pháp làm khoa học. Các nhà khoa học cần nghiên cứu và tuân thủ các quy tắc, thủ tục, tiêu chuẩn và các kỹ thuật nghiên cứu của xã hội học khi tiến hành nghiên cứu.